BỆNH VIỆN PHỔI THÁI BÌNH

https://bvphoithaibinh.vn


Viêm thanh quản cấp và cách phòng ngừa

Viêm thanh quản cấp là bệnh lý khá phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Thông thường, bệnh có thể tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, trong thời gian này, các triệu chứng của bệnh như khàn giọng, mất tiếng, mệt mỏi,...có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm thanh quản cấp và cách phòng ngừa

1. Tìm hiểu về viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp nếu không được can thiệp đúng cách và kịp thời có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính. Lúc này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, vì thế cần hiểu rõ về bệnh lý này để kịp thời phát hiện và xử lý.

Viêm thanh quản cấp là như thế nào?

Viêm thanh quản là tình trạng sưng viêm, nhiễm trùng dây thanh quản do nhiều tác nhân gây nên như thời tiết, nói hoặc hét quá nhiều, các loại virus, vi khuẩn,... Lúc này, dây thanh quản sẽ sưng lên làm âm thanh khi chúng ta phát ra bị biến đổi. Khàn giọng là triệu chứng phổ biến của tình trạng này, nhưng cũng có lúc người bệnh thậm chí không thể nói thành tiếng được.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng về tình trạng này vì thông thường nó chỉ kéo dài trong 1 thời gian ngắn. Đồng thời, mức độ của bệnh cũng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trong thời gian này, bạn không chú ý bảo vệ và giữ gìn cổ họng và vùng thanh quản, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Viêm thanh quản sẽ thường khỏi sau một thời gian ngắn

Viêm thanh quản sẽ thường khỏi sau một thời gian ngắn

Các triệu chứng của viêm thanh quản cấp

Bạn có thể nhận biết tình trạng viêm thanh quản cấp tính thông qua các triệu chứng sau:

  • Khàn giọng, giọng nói thay đổi rõ rệt so với trước kia.

  • Mất nhiều sức để nói chuyện hơn.

  • Rát cổ, đau khô họng.

  • Thỉnh thoảng có ho khan.

  • Khó khăn trong việc nuốt.

Ngoài ra, nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, rất có thể là bạn đã mắc một vài bệnh lý khác. Hãy đến gặp các bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây ra viêm thanh quản cấp tính

Tình trạng viêm thanh quản cấp gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể:

  • Do các loại virus, bệnh thường xuất hiện sau các đợt cảm cúm, cảm lạnh.

  • Tác động quá mức lên thanh quản, nói chuyện và la hét với tần suất nhiều.

  • Do vi khuẩn, tuy nhiên tình trạng này khá hiếm gặp.

La hét quá nhiều có thể là nguyên nhân dẫn tới viêm thanh quản

La hét quá nhiều có thể là nguyên nhân dẫn tới viêm thanh quản

2. Phòng ngừa viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng gây ra không ít khó chịu, phiền toái, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, việc phòng ngừa tình trạng này là rất cần thiết. 

Sử dụng nước muối ấm để súc miệng

Nước muối ấm có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viên cải thiện tình trạng đau rát cổ. Bạn có thể thực hiện phương pháp này bằng các bước đơn giản. Đầu tiên, hoà tan ¼ - ½ muỗng muối tinh vào 200ml nước ấm, sau đó súc miệng và nhổ ra. Hãy thực hiện thói quen này thường xuyên để thấy hiệu quả rõ rệt.

Giữ ẩm cơ thể

Bạn cần giữ ẩm cho cơ thể đặc biệt là vùng cổ vào thời điểm giao mùa, khi có thời tiết lạnh. Vì thế, khi đi ra ngoài, hãy nhớ khoác cho mình những chiếc áo thật ấm áp và một chiếc khăn len để giữ ẩm cũng như tránh cảm lạnh.

Hãy chú ý giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ 

Hãy chú ý giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ 

Có chế độ ăn uống khoa học

Một chế độ ăn uống khoa học, dinh dưỡng không chỉ giúp bạn phòng tránh viêm thanh quản mà còn hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Vì thế, bạn nên bổ sung đầy đủ 5 nhóm thực phẩm, hạn chế ăn những thực phẩm không tốt cho cổ họng như đồ cay, chua, nóng.

Hạn chế nói chuyện

Tình trạng viêm khiến các dây thanh quản trở nên sưng và nhạy cảm. Vì thế, bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi để cơ quan này dần hồi phục và hoạt động lại bình thường. Lúc này, việc hạn chế nói chuyện, hát, la hét là điều cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để hạn chế tình trạng khô họng, cải thiện viêm.

Đeo khẩu trang

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ người khác bị cảm cúm, cảm lạnh thì cần hạn chế tiếp xúc. Nếu việc tiếp xúc là cần thiết và không thể tránh khỏi thì cần chú ý đeo khẩu trang.

Sử dụng mic

Do yếu tố công việc đặc thù thường xuyên phải nói chuyện, giao tiếp như giáo viên, hướng dẫn viên du lịch,...có thể sử dụng đến máy trợ giảng hoặc micro để làm việc, tránh ảnh hưởng đến dây thanh quản.

Sử dụng micro có thể làm giảm ảnh hưởng đến dây thanh quản

Sử dụng micro có thể làm giảm ảnh hưởng đến dây thanh quản

Chú ý vệ sinh

Bạn cần chú ý vệ sinh vùng tai, mũi, họng cẩn thận, đặc biệt là đối với những người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, bụi bẩn.

Tập luyện thể dục thể thao

Mỗi ngày bạn hãy bỏ ra 15 - 30 phút để tập luyện thể dục thể thao. Điều này giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế bệnh tật. Hãy lựa chọn những bài tập, hoạt động phù hợp với thể trạng của mình bạn nhé.

Khi nghi ngờ bản thân mắc viêm thanh quản cấp, ngoài việc chú ý đến chế độ nghỉ ngơi và ăn uống thì còn cần phải đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Có thể thấy rằng, viêm thanh quản cấp không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng nó lại gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, bạn cần chú ý hơn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người bị cảm cúm, cảm lạnh. Ngoài ra, cần giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ họng dù là ở nhà hay đi ra ngoài.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây