Truyền thông về sức khỏe phổi

Thứ hai - 26/11/2018 10:30 1.161 0
Bệnh lao nếu phát hiện và điều trị sớm có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn
lao
 
Kính thưa : Toàn thể nhân dân
Bệnh viện phổi Thái Bình xin gửi tới Bà con nhân dân một số thông điệp về sức khỏe phổi:

1. Bệnh lao
           
Bệnh lao cũng như mọi bệnh thông thường khác, không lây truyền đáng sợ như mọi người nghĩ , hiện nay bệnh lao đã giảm đáng kể và chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và uống thuốc đều đặn đúng liều, đủ thời gian theo chỉ dẫn của Thầy thuốc.

1.1. Người nghi mắc bệnh lao phổi có các dấu hiệu sau đây cần phải đến Bệnh viện để khám phát hiện bệnh lao:
- Ho kéo dài trên 2 tuần( ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu).
- Gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi
- Sốt nhẹ về chiều
- Đau ngực, đôi khi có khó thở.
 
1.2. Những người sau dễ bị mắc lao:
- Nhiễm HIV
-Tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên, liên tục kéo dài với người bệnh lao phổi ở giai đoạn đầu chưa được dùng thuốc chống lao.
- Người bệnh mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy thận mạn….
- Người bệnh suy giảm miễn dịch do sử dụng corticoid kéo dài, thuốc điều trị ung thư.
           Khi người bệnh lao phổi mà chưa được điều trị thuốc lao ho mạnh, hắt xì hơi thì có thể gây nhiễm lao cho những người lành tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên, liên tục, kéo dài (nhất là trẻ em). Chỉ có 10% người nhiễm lao trở thành mắc bệnh lao còn lại 90% người nhiễm lao hoàn toàn khỏe mạnh bình thường.
           Nói chuyện với người bệnh lao phổi thì không sợ bị nhiễm lao.
           Bệnh lao không lây qua đường ăn uống nên không cần phải ăn riêng bát đĩa. Khi người bệnh lao phổi uống thuốc chống lao từ 2 tuần trở lên thì vi khuẩn lao trong đờm giảm đáng kể hoặc không còn do đó không sợ lây nhiễm lao từ người bệnh.
Theo thông tư 04/2016/TT-BYT ngày 26/2/2016 của Bộ Y tế, người có dấu hiệu nghi ngờ bị mắc bệnh lao có thẻ bảo hiểm y tế được chuyển thẳng từ các trạm Y tế xã, phường, thị trấn đến Bệnh viện phổi tỉnh Thái Bình để được khám phát hiện chẩn đoán, điều trị bệnh lao mà vẫn được bảo hiểm y tế chi trả ,không cần phải xin giấy chuyển viện từ bệnh viện đa khoa huyện, thành phố. Những bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế khi được chẩn đoán là mắc lao được mua cấp thẻ BHYTmiễn phí, những bệnh nhân có thẻ BHYT mà khó khăn khi nằm điều trị nội trú được hỗ trợ một phần tiền trợ cấp.
 
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ( COPD)
          Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh mãn tính thường gặp ở những người từ 40 tuổi trở lên, nghiện thuốc lá, thuốc lào, hoặc hít phải khói bếp than, củi, bụi nghề nghiệp…Biểu hiện của bệnh là ho kéo dài, từng đợt, có thể sốt hoặc không, khó thở tăng dần, bệnh không bao giờ tự khỏi, bệnh tiến triển nặng dần có từng đơt cấp tính người bệnh phải vào viện điều trị dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn kém về kinh tế. Bệnh có thể phòng tránh được nếu người bệnh được chẩn đoán, quản lý điều trị theo đúng hướng dẫn của Bác sỹ chuyên khoa phổi.
           Bằng các kỹ thuật đo chức năng hô hấp, test hồi phục phế quản và các bài tập vận động trị liệu hô hấp cùng với các phác đồ điều trị chuẩn trong những năm qua hàng 1000 người bệnh mắc các bệnh phổi mãn tính như COPD đã được chẩn đoán kịp thời và điều trị khỏi. Sau khi điều trị khỏi đợt cấp tính nội trú, người bệnh được chuyển ra phòng quản lý bệnh nhân hen, COPD để được tư vấn khám, xét nghiệm theo dõi, cấp thuốc điều trị ngoại trú miễn phí hàng tháng.
Với đội ngũ nhân viên y tế giỏi về chuyên môn, tận tâm với người bệnh, cơ sở vật chất khang trang, kỹ thuật hiện đại, với mục tiêu người bệnh là trung tâm phục vụ, Bệnh viện Phổi Thái Bình là bệnh viện đầu ngành của tỉnh về khám chữa bệnh lao và các bệnh phổi, cung cấp chất lượng dịch vụ cao đem lại sự hài lòng của người bệnh.

Tác giả bài viết: BS CKII. Vũ Văn Trâm - Giám đốc Bệnh viện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay3,981
  • Tháng hiện tại132,244
  • Tổng lượt truy cập821,884
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây