NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ BỆNH LAO NÃO - MÀNG NÃO

Thứ năm - 21/12/2023 14:46 429 0
Tại Việt Nam, lao là bệnh lý khá phổ biến với tỷ lệ mắc chiếm khoảng 3,8% dân số và hàng nghìn người tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, đa số chúng ta đều chỉ quen nghe bệnh lao phổi hay lao xương khớp chứ ít khi hoặc chưa từng nghe thấy lao não, màng não-một loại lao hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Bệnh tiến triển chậm nên rất khó phát hiện, lao não-màng não ở giai đoạn nặng sẽ gây ra các biến chứng nặng nề về thần kinh và tỷ lệ tử vong cao.

Lao não-màng não có nguy hiểm không?

Màng não là lớp màng bao bọc não và tủy sống, cấu tạo gồm ba lớp là màng cứng, màng nhện và màng mềm. Màng não có chức năng chính là bảo vệ hệ thần kinh trung ương (CNS) không bị chấn thương bởi các tác động cơ học từ bên ngoài, đồng thời cung cấp dưỡng chất cho các tế bào thần kinh thông qua mạng lưới mạch máu dày đặc.

Một chức năng quan trọng khác của màng não là sản xuất và tái tạo dịch não tuỷ-một chất dịch trong suốt bao quanh não và tuỷ sống, hoạt động giống như một lớp đệm bảo vệ, ngoài ra còn giúp trao đổi dinh dưỡng và loại bỏ chất thải.

Lao não-màng não là tình trạng viêm tại nhu mô não và màng não do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây nên, thông thường loại vi khuẩn này thường gây bệnh tại phổi và lây truyền thông qua các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc giao tiếp ở giai đoạn tiến triển.

Lao não - màng não là tình trạng hiếm gặp ở người mắc bệnh lao và có nguy cơ tử vong cao nhất (15-30%) trong các dạng bệnh lý lao hiện nay do quá trình phát triển chậm, các triệu chứng không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác.

lao màng nãoLao não-màng não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm

Nguyên nhân chính gây lao não-màng não là do Mycobacterium tuberculosis, tuy nhiên không phải ai nhiễm loại vi khuẩn này cũng bị bệnh lao. Một vài yếu tố nguy cơ khiến chúng ta dễ mắc bệnh lao hơn đó là:

  • Suy giảm hệ miễn dịch: HIV/AIDS, tiểu đường, bệnh thận, ung thư, suy dinh dưỡng,... Ngoài ra, những người lạm dụng thuốc corticoid, hóa trị, xạ trị ung thư, thuốc viêm khớp dạng thấp, Crohn, vẩy nến...
  • Người sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi, thường xuyên tiếp xúc hay hít phải các hóa chất độc hại
  • Sinh sống hoặc làm việc trong những khu vực có nhiều người mắc bệnh lao

Triệu chứng

Giai đoạn khởi phát: các triệu chứng xuất hiện và kéo dài trong vài tuần, người bệnh thường bị sốt nhẹ về chiều tối, chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ và sụt cân không rõ nguyên nhân. Đối với trẻ nhỏ ở giai đoạn này thường bỏ ăn, bỏ chơi, hay buồn ngủ.

Giai đoạn toàn phát:

  • Đau nhức đầu âm ỉ, có lúc dữ dội
  • Chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa
  • Sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt liên tục, đặc biệt là vào buổi chiều tối
  • Cứng cổ, đau cột sống và các khớp
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng động mạnh
  • Một số trường hợp nặng có thể liệt tứ chi, rối loạn nhận thức, co giật, thậm chí rơi vào hôn mê

Lao não-màng não nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh sau này, bao gồm:

  • Suy giảm thị lực, thính lực
  • Động kinh
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Liệt nửa người
  • Não úng thủy
  • Đột quỵ

Các phương pháp chẩn đoán lao não-màng não

Lao não-màng não có thể được phát hiện dựa vào chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), đây đều là các kỹ thuật hiện đại nhất của chẩn đoán hình ảnh hiện nay. Các kỹ thuật này giúp quan sát, đánh giá chi tiết về các tổn thương của lao não-màng não như não úng thủy, nhồi máu do viêm động mạch, tăng dịch tiết, màng não tăng đậm độ (viêm màng não).

Việc tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch sẽ làm tăng tương phản của các tổn thương, giúp phân định rõ nét về vị trí, kích thước và chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh lý khác, đặc biệt là với bộ phận khó khảo sát như màng não. Trước khi tiêm thuốc, người bệnh sẽ được làm xét nghiệm chức năng gan thận và khai thác tiền sử dị ứng để phòng ngừa các nguy cơ dị ứng thuốc.

lao màng nãoHình ảnh chụp MRI có tiêm thuốc cản quang ở một bệnh nhân bị lao não-màng não

Chọc dịch não tủy là xét nghiệm chẩn đoán xác định lao não-màng não thông qua việc phân tích các thành phần trong dịch não tủy của người bệnh, đây là phương pháp chẩn đoán có độ chính xác rất cao nhưng cần được thực hiện tại các cơ sở y tế lớn và uy tín.

Cách phòng ngừa

  • Cách phòng ngừa tốt nhất là thực hiện tiêm phòng lao đầy đủ, đặc biệt với đối tượng trẻ em
  • Đeo khẩu trang và sát khuẩn tay đầy đủ khi tiếp xúc với những người mắc bệnh lao.
  • Đối với người mắc lao phổi: cần tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đeo khẩu trang và rửa tay đầy đủ, không khạc nhổ bừa bãi để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
  • Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh của người bệnh, thiết kế thông thoáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên do vi khuẩn lao kém hoạt động dưới ánh sáng mặt trời.
  • Cần đi kiểm tra khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay4,074
  • Tháng hiện tại132,623
  • Tổng lượt truy cập968,512
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây