Áp xe phổi có thể chỉ có 1 ổ hoặc thậm chí nhiều ổ (áp xe đa ổ). Nguyên nhân hay gặp của áp xe phổi là do hít sặc vào phổi các chất tiết vùng miệng họng, kết hợp với viêm lợi hoặc vệ sinh răng miệng kém, thường do các vi khuẩn vùng miệng họng.
Ngoài ra, vi khuẩn gây áp xe phổi có thể đến theo đường máu từ một ổ viêm nội tâm mạc bên tim phải, căn nguyên thường do vi khuẩn tụ cầu.
Hệ hô hấp tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, tuy nhiên phổi nằm sâu nên nguy cơ nhiễm khuẩn thấp hơn, hơn nữa cơ thể có cơ chế bảo vệ phổi khá tốt.
Bình thường nếu cơ chế này hoạt động tốt, vi khuẩn và tác nhân gây bệnh khác sẽ được loại bỏ trước khi gây viêm phổi nặng và xuất hiện áp xe.
Các nguyên nhân khiến cơ chế bảo vệ phổi giảm sút có thể kể đến như: Thuốc lá, rượu, tình trạng suy giảm miễn dịch, bệnh lý nghề nghiệp, suy dinh dưỡng, độc tính vi khuẩn hoặc thực phẩm, một số thuốc điều trị…
Áp xe phổi nếu được chẩn đoán và điều trị muộn thì nguy cơ biến chứng và tiên lượng điều trị sẽ khó khăn.
Bệnh thường tiến triển âm thầm, sau nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, các triệu chứng có thể không điển hình, bao gồm: ho có đờm, sốt, mồ hôi đêm, sụt cân; đôi khi bệnh nhân đến khám vì ho ra máu, đau ngực, ho đờm đục, hoặc đờm có dây máu và có mùi hôi, kèm theo hơi thở hôi.
Có thể ho ra máu hoặc khạc ra ít mủ nhiều lần trong ngày (khái mủ). Quan sát đại thể mủ khạc ra để sơ bộ có chẩn đoán nguyên nhân: mủ màu vàng thường do tụ cầu; mủ màu xanh do liên cầu; mủ màu Socola do amip; mủ thối và có những cục hoại tử đen do vi khuẩn kỵ khí.
Khám phổi thường biểu hiện không đặc hiệu, có thể biểu hiện giống như đông đặc phổi, hoặc viêm phổi; Chụp phim X-quang phổi, hoặc phim cắt lớp vi tính sẽ giúp định hướng chẩn đoán.
Bệnh áp xe phổi là một căn bệnh thường bắt nguồn từ các loại vi khuẩn, chính vì vậy mà nguy cơ lây lan bệnh có thể xảy ra dễ dàng, đặc biệt là thông qua đường hô hấp. Người bệnh có thể bị áp xe phổi thông qua việc hít phải các vi khuẩn từ không khí vào cơ thể hoặc từ những tiếp xúc tới tai mũi họng do thủ thuật phẫu thuật, các chất tiết nhiễm trùng từ răng miệng và mũi họng, phẫu thuật đặt nội khí quản, có dị vật trong đường thở hoặc bị trào ngược dạ dày...
Bên cạnh đó, bệnh áp xe phổi cũng có thể bị lây truyền thông qua đường máu (viêm tĩnh mạch, nhồi máu, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng huyết...) hoặc thông qua đường kế cận (các áp xe ở gan, cơ hoành, đường mật, thực quản... phát triển đến mức vỡ ra sẽ lây lan tới phổi).
Mỗi cá nhân nên tự ý thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh áp xe phổi và thực hiện các biện pháp sau nhằm phòng ngừa cũng như giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:
Điều trị áp xe phổi cần sự phối hợp của nhiều biện pháp, phương pháp điều trị bệnh cụ thể như sau:
Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh. Dẫn lưu ổ áp xe bằng cách dẫn lưu tư thế vỗ rung lồng ngực, hút mủ ở phế quản, dẫn lưu ổ áp xe bằng phương pháp nội soi phế quản ống mềm. Phương pháp nội soi phế quản còn giúp phát hiện các tổn thương làm tắc nghẽn phế quản hoặc gắp bỏ dị vật trong phế quản nếu có…
Điều trị phẫu thuật: Khoảng 10% trong số tổng các ca áp xe phổi được bác sĩ chỉ định thực hiện can thiệp ngoại khoa. Chủ yếu là tiến hành phẫu thuật để cắt phân thùy phổi hoặc cắt 1 bên phổi tùy vào mức độ tổn thương.
Điều trị hỗ trợ, áp dụng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể người bệnh, đặc biệt là bổ sung thêm protein và vitamin. Bổ sung nước đầy đủ, duy trì cân bằng nước và điện giải, cân bằng toan kiềm. Giảm các triệu chứng đau, sốt của bệnh.
Nếu cần thiết nên sử dụng liệu pháp thở oxy nhằm hỗ trợ hô hấp cho người bệnh. Nếu là suy hô hấp cấp thì cung lượng khoảng 6 lít/phút, còn suy hô hấp mạn thì thở oxy với cung lượng thấp hơn, khoảng 2 lít/phút.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống:
Ý kiến bạn đọc