Đối phó hiệu quả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Thứ tư - 18/01/2023 10:44 1.870 0
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của phản ứng viêm bất thường của đường thở và/hoặc phế nang do phơi nhiễm với các hạt hoặc khí độc hại. Các bệnh đồng mắc và các đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Nguyên nhân do đâu?

Thống kê của WHO cho thấy, mỗi năm toàn cầu có hơn 300 triệu người được phát hiện mắc COPD. Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng. Những yếu tố nguy cơ gây COPD có thể kể đến như hút thuốc lá, thuốc lào, hít phải khói thuốc lâu dài (80 - 90% nguyên nhân gây bệnh); ô nhiễm môi trường ngoài trời; ô nhiễm môi trường không khí trong nhà như hít phải khí đốt nhiên liệu, bụi nghề nghiệp, hóa chất hoặc nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên như bệnh viêm phổi, viêm phế quản...

Dấu hiệu nhận biết

Ho, khạc đờm kéo dài là triệu chứng thường gặp. Ho lúc đầu có thể là ngắt quãng, về sau ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày, ho khan hoặc ho có đờm, thường về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.

Khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi, nặng ngực hoặc thở hổn hển, thở khò khè.

Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể thấy lồng ngực có dạng hình thùng, tần số thở tăng, bệnh nhân thở ra phải mím môi lại, co rút các cơ hô hấp ở cổ như rút lõm hố trên ức, trên đòn, các khe gian sườn bị rút lõm.

Đo chức năng hô hấp tại Khoa Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai.

Đo chức năng hô hấp tại Khoa Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai.

Cần phải làm gì?

Do nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thuốc lá, nên bỏ thuốc lá và không sống trong môi trường có khói thuốc lá, là nguyên tắc hàng đầu trong điều trị. Việc bỏ thuốc lá trong nhiều trường hợp là khó khó khăn đối với người bệnh. Việc này đòi hỏi sự hợp tác tích cực giữa thầy thuốc, gia đình và cộng đồng, để tạo điều kiện và khuyến khích người bệnh bỏ thuốc lá. Rất ít trường hợp cần phải sử dụng thuốc để cai nghiện. Điều trị bệnh bao gồm cả điều trị bằng thuốc và không bằng thuốc. Vì đây là bệnh mạn tính với hiện tượng phá hủy cấu trúc phổi không hồi phục nên điều trị thông thường là phải kéo dài suốt đời.

Ngoài việc ngưng tiếp xúc với khói thuốc, người bệnh và gia đình cần thực hiện các nguyên tắc sau: Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tiêm vắc-xin cúm hàng năm nếu có điều kiện. Đi kiểm tra bệnh ít nhất 2 lần/năm. Nếu triệu chứng nặng lên, cần thực hiện theo kế hoạch hành động mà bác sĩ hướng dẫn và đi khám cấp cứu. Tạo nơi sinh hoạt của người bệnh thoáng đãng (thông gió tốt) sạch sẽ, không bụi khói. Vận động, thể dục tùy theo tình trạng sức khỏe cho phép với nguyên tắc: nhẹ nhàng, đều đặn, kết hợp với tập thở hiệu quả. Ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, vitamin, uống nhiều nước. Tạo điều kiện thuận lợi nhất trong sinh hoạt cho người bệnh, nhất là khi ở giai đoạn nặng.

Khi nào cần phải nhập viện?

Khi các triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn thường ngày (ví dụ khạc đờm nhiều lên, đờm chuyển màu vàng hay đục, khó thở tăng) mặc dù đã phải tăng sử dụng thuốc hàng ngày mà không giảm. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế đã khám và tốt nhất là có quản lý bệnh để hỏi ý  kiến điều trị. Nếu cần, bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện. Thông thường chỉ những trường hợp nặng hoặc có biến chứng thì mới cần nhập viện. Các trường hợp còn lại có thể điều trị theo hướng dẫn tại nhà trong khoảng 5-7 ngày.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa bệnh COPD, nam giới không hút thuốc lá, thuốc lào, còn trẻ em, phụ nữ nên tránh bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với khói thuốc. Riêng với người cao tuổi đã mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại. Ngoài ra, mỗi người nên tạo cho mình thói quen tập thể dục đều đặn hằng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy. Còn với người bệnh COPD, nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ... ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức...

Nguồn tin: Báo sức khỏe đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay2,489
  • Tháng hiện tại19,122
  • Tổng lượt truy cập1,932,466
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây