Cách phòng tránh ung thư phổi ai cũng nên biết

Thứ sáu - 26/05/2023 08:03 369 0
Ung thư phổi được xếp vào danh sách những bệnh lý ác tính nguy hiểm hàng đầu trên thế giới do diễn tiến bệnh nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Hiện vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn tới ung thư phổi nhưng có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Biết được các yếu tố này sẽ là cơ sở để thực hiện các cách phòng tránh ung thư phổi trong bài viết dưới đây một cách chủ động và hiệu quả hơn.

1. Từ bỏ thuốc lá để phòng ngừa ung thư phổi

Khói thuốc lá là một trong những yếu tố có mối liên hệ mật thiết với căn bệnh ung thư phổi. Theo nhiều nghiên cứu khoa học thì những người thường xuyên hút thuốc lá có tỷ lệ bị ung thư phổi cao hơn gấp 20 lần so với những người không có thói quen này. Vì vậy nếu bạn đang hút thuốc lá thì hãy từ bỏ nó càng sớm càng tốt, còn nếu chưa hút thì đừng bao giờ thử.

cách phòng tránh ung thư phổi

Không hút thuốc lá là một trong những cách phòng tránh ung thư phổi hiệu quả

Ngay cả khi bạn không hút thuốc lá nhưng lại sống và làm việc trong môi trường ngập tràn khói thuốc thì cũng được coi là hút thuốc thụ động. Tương tự như những người hút thuốc chủ động, người hút thuốc thụ động cũng hấp thu vào cơ thể một lượng lớn các hóa chất độc hại có nguy cơ làm phát triển ung thư phổi. Do đó bạn nên chủ động tránh xa những nơi có khói thuốc lá, hoặc khi có người hút thuốc ở nơi công cộng hãy đề nghị họ đến những nơi vắng người hoặc khu vực dành riêng cho người hút thuốc.

2. Bảo vệ lá phổi trước tình trạng ô nhiễm không khí

Số liệu thống kê cho thấy những bệnh nhân sống ở các vùng có tỷ lệ ô nhiễm không khí cao thì nguy cơ ung thư phổi cũng cao hơn so với những vùng có không khí trong lành. Theo số liệu của cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), chỉ tính riêng năm 2010 đã có khoảng 3,2 triệu người trên thế giới tử vong do ô nhiễm không khí, trong đó ghi nhận khoảng 223.000 bệnh nhân bị ung thư phổi. Vì vậy cách phòng tránh ung thư phổi trước tình trạng ô nhiễm không khí đó là:

  • Đeo khẩu trang và quần áo che kín vùng đầu khi đi ra ngoài;

  • Vệ sinh sạch sẽ nhà ở và phòng ngủ thường xuyên;

  • Có thể lắp đặt máy lọc không khí trong nhà;

  • Người dân ở vùng nông thôn và ngoại thành không nên đốt quá nhiều rơm rạ vì sẽ làm tăng tình trạng ô nhiễm không khí;

  • Trồng thêm nhiều cây xanh để tăng cường khí oxy cho khu vực sống;

  • Thay vì dùng bếp củi, bếp than tổ ong thì hãy chuyển sang dùng nguyên liệu sạch như bếp từ, bếp điện.

Hãy đeo khẩu trang để hạn chế việc hít phải không khí bị ô nhiễm

Hãy đeo khẩu trang để hạn chế việc hít phải không khí bị ô nhiễm

3. Giảm lượng khí radon trong nhà

Radon là một loại khí phóng xạ nguy hiểm, được sản sinh từ quá trình uranium phân hủy trong đất và đá. Khí radon không màu, không mùi, có thể thấm vào đất và rò rỉ vào nguồn nước, không khí. Ở những khu vực có lượng khí radon cao thường tỷ lệ thuận với số ca mắc ung thư phổi. Trường hợp những bệnh nhân mặc dù chưa từng hút thuốc lá nhưng có tiếp xúc với khí radon cũng có thể phát triển căn bệnh ung thư phổi. Vì vậy, tránh hít phải khí radon cũng là cách để phòng tránh căn bệnh này. Để hạn chế khí radon ở môi trường sống và làm việc, bạn có thể áp dụng những biện pháp như sau:

  • Lắp đặt các loại máy làm sạch không khí;

  • Lưu trữ nước trong bể riêng để sử dụng;

  • Lắp hệ thống thông gió trong phòng ở;

  • Xử lý các vết nứt trên tường hoặc trên sàn nhà;

  • Không nên ở quá lâu trong tầng hầm.

4. Tránh xa các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư phổi

Một số tác nhân kích thích sự phát triển ung thư phổi cần được loại bỏ đó là:

  • Các chất phóng xạ: xạ trị (gamma-ray, x-ray,...), làm việc ở nơi có mật độ phóng xạ cao,... Khi tiếp xúc với liều phóng xạ càng cao thì nguy cơ ung thư phổi sẽ càng tăng. Do đó những công nhân viên làm việc trong khu vực chứa nhiều phóng xạ cần đảm bảo an toàn lao động và có thiết bị bảo vệ theo đúng tiêu chuẩn an toàn;

  • Một số hóa chất công nghiệp cũng là yếu tố dẫn đến ung thư phổi như asen, crom, amiang, cadmium, niken, bồ hóng,...

So với hút thuốc lá thì nguy cơ gây ung thư phổi khi tiếp xúc với các hóa chất trên còn cao hơn rất nhiều lần. Vì vậy những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường chứa nhiều hóa chất độc hại cũng cần có biện pháp bảo hộ phù hợp, vệ sinh bản thân sạch sẽ, thường xuyên, cẩn thận sau khi tiếp xúc với hóa chất. Ngoài ra người dân sống lân cận các nhà máy hóa chất cũng cần phải thường xuyên vệ sinh cá nhân và nhà cửa kỹ càng, lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng và rửa sạch chúng trước khi tiêu thụ.

Những người phải làm việc trong môi trường hóa chất độc hại cần có biện pháp bảo hộ

Những người phải làm việc trong môi trường hóa chất độc hại cần có biện pháp bảo hộ

5. Xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học, lành mạnh

Những người có thói quen ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc phải nhiều loại bệnh lý, trong đó có ung thư phổi. Khi tiêu thụ những loại thực phẩm này, cơ thể sẽ được tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa hay giảm nguy cơ mắc phải các bệnh mạn tính, hoặc những bệnh vẫn còn trong giai đoạn đầu.

Bên cạnh việc tăng cường rau xanh, chúng ta cũng nên tránh xa các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, đồ muối chua, cay nóng,... có hại cho sức khỏe.

Một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ bị ung thư phổi

Một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ bị ung thư phổi

Ngoài ra vận động và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể duy trì được mức cân nặng hợp lý, tốt cho hệ hô hấp và chống lại các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Đặc biệt tập thể dục với cường độ phù hợp còn giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể và gia tăng chất lượng sống.

6. Theo dõi những triệu chứng cảnh báo ung thư phổi

Mỗi người có thể bộc lộ các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi khác nhau. Có những người biểu hiện triệu chứng ung thư phổi một cách rõ ràng nhưng phần lớn thì không, nhất là ở giai đoạn đầu của bệnh cho tới khi triệu chứng dễ nhận biết hơn thì ung thư phổi đã bước sang giai đoạn cuối.

Sau đây là những dấu hiệu của ung thư phổi bạn nên đặc biệt lưu ý:

  • Đau tức ngực;

  • Khó thở, thở khò khè;

  • Ho lâu ngày không khỏi, có thể bị ho ra máu;

  • Thường xuyên mệt mỏi;

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;

  • Biểu hiện khác: sưng hạch bạch huyết, viêm phổi tái phát nhiều lần,..

Đôi khi triệu chứng của ung thư phổi có thể khiến bạn nhầm lẫn với bệnh lý khác ở hệ hô hấp. Do đó để biết chính xác bản thân có đang bị ung thư phổi hay không, bạn nên đi khám sớm ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên.

Trên đây là một số gợi ý về cách phòng tránh ung thư phổi. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết hơn về bệnh lý này hay các vấn đề sức khỏe khác, hãy liên hệ ngay  với Bệnh viện Phổi Thái Bình để được giải đáp!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay3,693
  • Tháng hiện tại138,360
  • Tổng lượt truy cập974,249
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây