Viêm phổi cộng đồng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Thứ hai - 13/03/2023 21:58 308 0
Viêm phổi cộng đồng là một bệnh hô hấp thường gặp, có thể tiến triển nặng gây nhiều biến chứng. Tìm hiểu về các đặc điểm của bệnh sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong ứng phó và phòng ngừa viêm phổi cộng đồng.

Tổng quan bệnh Viêm phổi cộng đồng

Bệnh viêm phổi mắc phải ở cộng đồng xảy ra ở ngoài bệnh viện, là hiện tượng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi bao gồm phế nang, tiểu phế quản tận hay viêm tổ chức kẽ của phổi.

Viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi cộng đồng

Biểu hiện ở viêm phổi gồm có viêm phổi đốm, viêm phổi thuỳ hoặc viêm phổi không điển hình. Các thể này có đặc điểm chung đó là xuất hiện hội chứng bóng mờ phế nang và đông đặc phổi hoặc mô kẽ trên hình ảnh chụp X-quang phổi. Tác nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn, nấm,... nhưng không phải là do vi khuẩn lao.

Mức độ viêm phổi có thể là từ nhẹ đến nặng, thậm chí là cướp đi cả mạng sống của người bệnh. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi và đối tượng bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh lý nền thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi viêm phổi.

Các số liệu về bệnh viêm phổi cộng đồng:

  • Tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 4 triệu người bị nhiễm viêm phổi, trong đó số trường hợp cần phải nhập viện chiếm tỷ lệ 20%;
  • Tỷ lệ tử vong của các ca bệnh nội trú là 15 - 30%, còn trường hợp điều trị ngoại trú chiếm 1- 5%;
  • Chi phí điều trị bệnh viêm phổi hàng năm chiếm khoảng 9,7 tỷ Đô la;
  • Trung bình cứ 1000 người thì có từ 8 - 15 người bị nhiễm viêm phổi cộng đồng;
  • Ở nước ta, giai đoạn 1997 - 2000 tại bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 3.606 bệnh nhân điều trị tại khoa Hô hấp, trong đó có 345 (khoảng 9,57%) trường hợp bị viêm phổi - xếp thứ 4 trong số các bệnh về đường hô hấp.

Nguyên nhân bệnh Viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi cộng đồng được cho là rất phổ biến, gây ra bởi các yếu tố sau:

Virus: Các virus có khả năng gây bệnh cúm và cảm lạnh là nguyên nhân gây nên bệnh viêm phổi;

- Vi khuẩn: Vi khuẩn có tên khoa học Streptococcus pneumoniae chính là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm phổi ở Mỹ. Loại viêm phổi do vi khuẩn này gây nên có thể tự phát tác sau khi người bệnh nhiễm lạnh hoặc cảm cúm, gây ảnh hưởng đến thuỳ phổi, còn được gọi là viêm phổi thuỳ;

- Nấm: Thường tấn công những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh lý mạn tính. Các loại nấm có khả năng gây bệnh viêm phổi có thể tồn tại trong đất hoặc phân chim, tuỳ thuộc vào khu  vực địa lý;

- Các loại sinh vật giống như vi khuẩn: Mycoplasma pneumoniae cũng có thể gây viêm phổi nhưng các biểu hiện chúng gây ra thường nhẹ hơn khi so với những loại viêm phổi khác.


Triệu chứng bệnh Viêm phổi cộng đồng

Biểu hiện của viêm phổi mắc phải ở cộng đồng có thể từ nhẹ đến nặng và tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác như yếu tố gây bệnh (do virus, nấm hay vi khuẩn, vi sinh), tuổi tác và thể trạng của bệnh nhân. Những triệu chứng nhẹ thường giống với cảm lạnh hoặc cảm cúm nhưng lại kéo dài hơn.

Biểu hiện của viêm phổi mắc phải ở cộng đồng có thể từ nhẹ đến nặng

Dấu hiệu cho thấy một người bị viêm phổi cộng đồng đó là: 

  • Ho khan hoặc ho có đờm;
  • Khó thở và đau ngực khi thở hoặc ho;
  • Cơ thể mệt mỏi;
  • Bị sốt, người đổ nhiều mồ hôi, run rẩy;
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc bị tiêu chảy;
  • Nhận thức thay đổi, hay bị nhầm lẫn (thường gặp ở người từ 65 tuổi trở lên);
  • Nhiệt độ cơ thể giảm (đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu và người trên 65 tuổi).

Các biến chứng bệnh Viêm phổi cộng đồng

Khó thở: nếu bệnh nhân bị viêm phổi nặng hoặc cơ thể đang có những bệnh phổi mạn tính tiềm ẩn, người bệnh sẽ có nguy cơ bị khó thở và có thể phải sử dụng đến máy thở;

  • Nhiễm khuẩn huyết: Vi khuẩn khi xâm nhập vào phổi đi theo đường máu gây bệnh cho những cơ quan khác, khiến suy tạng rất nguy hiểm;
  • Tràn dịch màng phổi: là tình trạng các chất lỏng tích tụ nhiều trong màng phổi do vi khuẩn gây nên;
  • Áp xe phổi:  các áp xe hình thành khi một khoang trong phổi có mủ và thường được loại bỏ bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật.

Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm phổi cộng đồng

Có 2 nhóm tuổi dễ phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh:

  • Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi;
  • Người cao tuổi ( > 65 tuổi).

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường mắc viêm phổi

Những yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng bị viêm phổi cộng đồng:

Người nghiện thuốc lá, thuốc lào: hút thuốc sẽ gây tàn phá hệ thống phòng thủ của cơ thể trước sự xâm lăng của virus, vi khuẩn gây bệnh viêm phổi;

- Người mắc bệnh mạn tính: các bệnh như hen suyễn, bệnh tim hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm phổi;

- Người có hệ thống miễn dịch yếu: bệnh nhân sử dụng steroid, những người được ghép tạng, hoá trị liệu hoặc người bị HIV/AIDS rất dễ bị viêm phổi cộng đồng.


Phòng ngừa bệnh Viêm phổi cộng đồng

- Mỗi năm nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Đối với những người bị bệnh viêm phổi mạn tính, bị suy tim, tuổi cao trên 65 haowcj đã thực hiện cắt lách thì nên tiêm phòng phế cầu định kỳ 5 năm 1 lần;

Cai thuốc lá, thuốc lào - những yếu tố kích thích đầu độc hệ hô hấp;

Điều trị hiệu quả những ổ nhiễm trùng khu vực răng hàm mặt, tai mũi họng;

Giữ ấm cổ, đặc biệt là vùng cổ và ngực trong mùa lạnh.

 


Các biện pháp chuẩn đoán bệnh Viêm phổi cộng đồng

Chẩn đoán xác định bệnh

- Viêm phổi khởi phát đột ngột, có thể thấy các yếu tố khiến bệnh nhân bị viêm phổi do phế cầu như: suy giảm miễn dịch, cắt lách, bệnh hồng cầu hình liềm, nghiện rượu lâu năm;

- Sốt cao từ 39 - 40 độ C và rét run. Thường cảm thấy đau ngực, ho khạc đờm màu xanh hoặc màu rỉ sét, có mủ, lưỡi bẩn, môi khô, bạch cầu máu tăng cao. Bên cạnh đó còn xuất hiện hội chứng đông đặc phổi: tiếng thổi ống, gõ đục, rì rào phế nang giảm, rung thanh tăng;

- Hình ảnh sau khi chụp X-quang phổi: có hiện tượng tràn dịch màng phổi, hội chứng lấp đầy phế nang hoặc hình rãnh liên thuỳ dày. Hình kính mờ thể hiện viêm phổi do vi khuẩn không điển hình.

Xét nghiệm máu là phương pháp này nhằm xác nhận nhiễm trình và giúp xác định loại vi khuẩn gây bệnh

Trường hợp nghi ngờ bệnh nhân mắc viêm phổi, các xét nghiệm sau là cần thiết:

- Chụp X-quang ngực:  giúp bác sĩ có thể chẩn đoán và xác định vị trí nhiễm trùng nhưng không thể hiện loại vi khuẩn mà bệnh nhân mắc phải;

- Xét nghiệm máu: phương pháp này nhằm xác nhận nhiễm trình và giúp xác định loại vi khuẩn gây bệnh nhưng không phải lúc nào cũng đưa ra câu trả lời chính xác;

- Xét nghiệm đờm: bệnh nhân sẽ được lấy một ít chất lỏng từ phổi để phân tích nhằm điều tra nguyên nhân nhiễm trùng là do đâu;

- Nuôi cấy dịch màng phổi: cũng là một phương pháp để giúp tìm ra loại nhiễm trùng, bằng cách đặt một cây kim giữa xương sườn của bệnh nhân tại khu vực màng phổi để phân tích mẫu chất lỏng được lấy ra ở đây;

- Chụp CT: được tiến hành khi hình ảnh viêm phổi không thể hiện rõ ràng. Chụp CT sẽ giúp thu lại hình ảnh chi tiết hơn về phổi của bệnh nhân.

Chẩn đoán nguyên vi sinh

- Bệnh nhân bị nặng và nhập viện thì cần được nuôi cây và làm kháng sinh đồ với các mẫu vật như dịch phế quản, đờm, dịch màng phổi nếu có máu;

- Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện kháng nguyên hòa tan của vi khuẩn;

- Phương pháp gián tiếp: miễn dịch huỳnh quang, test ngưng kết bổ thể và huyết thanh học đặc hiệu với các vi khuẩn hoặc virus khó nuôi cấy.

Chẩn đoán phân biệt các loại bệnh về phổi

  • Lao phổi;
  • Tràn dịch màng phổi;
  • Xẹp phổi;
  • Giãn phế quản bội nhiễm;
  • Viêm phổi với cơ chế tự miễn do dùng thuốc;
  • Tắc mạch phổi gây nhồi máu phổi;
  • Phù phổi bán cấp không điển hình.

Tại BVĐK MEDLATEC, để chẩn đoán viêm phổi cộng đồng, các bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp hiện đại như CT 128 dãy, cấy đờm tìm vi khuẩn gây bệnh làm kháng sinh đồ, Panel các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp,...


Các biện pháp điều trị bệnh Viêm phổi cộng đồng

Nguyên tắc điều trị

- Sớm điều trị bằng kháng sinh cho các bệnh nhân bị viêm phổi do vi khuẩn gây nên;

- Dùng kháng sinh có hiệu quả đối với nguyên nhân gây bệnh và lưu ý việc vi khuẩn kháng kháng sinh;

- Khai thác tiền sử tương tác thuốc và dị ứng thuốc của bệnh nhân trước khi dùng thuốc;

- Trung bình thời gian dùng kháng sinh là trong khoảng 10 ngày trừ các trường hợp ngoại lệ;

- Tuân thủ các nguyên tắc khoa học về việc dùng kháng sinh cho bệnh nhân. Đặc biệt những loại kháng sinh phụ thuộc vào thời gian sử dụng cần duy trì liều lượng như thế nào để đảm bảo việc điều trị luôn đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Điều trị cụ thể

Việc điều trị viêm phổi nhằm mục đích là thanh toán nhiễm trùng, ngăn ngừa và điều trị các biến chứng. Phần lớn các trường hợp bị viêm phổi cộng đồng có thể điều trị tại nhà bằng kháng sinh. Hầu như sau khi điều trị khoảng vài ngày hoặc vài tuần thì các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm hoặc biến mất, tuy nhiên biểu hiện mệt mỏi vẫn có thể dai dẳng trong vòng một tháng hoặc lâu hơn.

Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác cũng như điều kiện sức khỏe của bệnh nhân mà sẽ áp dụng phương pháp điều trị khác nhau, cụ thể là:

- Sử dụng kháng sinh: Dùng thuốc nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh viêm phổi. Điều trị theo kháng sinh đồ để đạt hiệu quả cao;

- Kiểm soát triệu chứng - giảm đau, hạ sốt: Dùng các loại thuốc như sau: Ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác), aspirin, acetaminophen (Tylenol, những loại khác).

Điều trị tại nhà

- Đảm bảo cơ thể không thiếu nước: giữ thói quen uống nước ngay cả khi không khát để làm giãn lỏng chất nhầy chứa trong phổi;

- Dành thời gian nghỉ ngơi: không nên quay trở lại vận động mạnh hoặc làm việc, học tập cho tới khi  ngừng ho ra chất nhầy hoặc thấy cơ thể không còn dấu hiệu sốt;

- Dừng thuốc theo chỉ dẫn: tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng kháng sinh và phác đồ như bác sĩ đã hướng dẫn. Không tự ý bỏ thuốc nếu thấy đã hết triệu chứng viêm phổi vì vi khuẩn có thể nhân cơ hội này mà tiếp tục sinh sôi phát triển.
 

viêm phổi cộng đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay3,101
  • Tháng hiện tại131,650
  • Tổng lượt truy cập967,539
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây